Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Việt Nam Nói Gì Về Chủ Quyền Biển Đảo?


     

Trong tất cả các chuơng trình học từ cấp 1 đến cấp 3, rất ít khi tôi thấy trong sách giáo khoa nói rõ đến vấn đề biển đảo. Tôi còn nhớ năm tôi học lớp 1 (1999-2000) trong sách giáo khoa Tiếng Việt (cũ) có một bài thơ nói về đất nước Việt Nam, trong đó có nhắc tới Hoàng Sa và Trường Sa. Những năm học cấp 1 tiếp theo, hầu như tôi không thấy sự hiện diện vấn đề biển đảo trong chương trình học. Phải chăng là bộ giáo dục nghĩ những học sinh này còn bé nên không cần phải dạy về vấn đề biển đảo? Sang cấp 2, tôi cũng rất hiếm khí thấy trong sách lịch sử nhắc đến vấn đề tranh chấp chủ quyền. Còn môn địa lý thì không có một bài nào nói đến địa lý biển đảo. Đến cấp 3, trong sách địa lý 12 có 1 bài nói về vấn đề biển đảo, nhưng cũng không thấm vào đâu. Phải chăng chúng ta đang xem nhẹ vấn đề tuyên truyền chủ quyền biển đảo?

         Nhiều người Việt Nam bây giờ muốn tìm hiểu rõ về vấn đề chủ quyền biển đảo thường phải tự mình lên mạng tìm tòi thông tin, và đôi khi bắt gặp một số thông tin sai lệch của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển đảo để kích động đăng tải trên các web. Vậy tại sao bộ giáo dục không đưa vấn đề chủ quyền biển đảo vào chương trình học bắt đầu từ cấp 1, và phải là một chương trình giảng dạy chi tiết chứ không phải là nói cho xong?

      Nhiều học sinh mãi tới khi lên cấp 3 mới biết đến khái niệm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng nội thuỷ, nhưng khi nhìn lên bản đồ Việt Nam lại không thể hình dung và xác định được đâu là nội thuỷ, đâu là lãnh hải, đâu là vùng đặc quyền kinh tế. Đến ngay cả tôi, từng là một học sinh thuộc khối C năm tôi học 12 cũng chưa thể hình dung được ranh giới đâu là phần lãnh hải của Việt Nam.

Tất cả mọi sách giáo khoa lịch sử, không có một bài nào nói rõ ràng việc Trung Quốc và các nước có liên quan xâm phạm lãnh hải Việt Nam, không nhắc đến cuộc hải chiến của Trung Quốc xâm chiếm trái phéo quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa Việt Nam. Mà có cũng chỉ trọn vẹn mấy dòng ngắn ngủi ở một trang sách.  Cũng không có bài nào nhắc đến việc cha ông chúng ta "thuở mang guơm đi mở Nước" tìm ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và khẳng định chủ quyền Việt Nam trên đó như thế nào. Trong tất cả các bản đồ lịch sử Việt Nam, có rất ít bản đồ in cả hình hai quần đảo này (mặc dù là in hết dải đất liền). Phải chăng là vì trận hải chiến 1974 là giữa Trung Quốc và Nguỵ quyền Sài Gòn không phải là của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà nên nó không thuộc bộ phận lịch sử của Việt Nam? Vậy thì tại sao trận hải chiến 1988 lại không đem vào nói rõ ràng trong sách sử? Tất cả đã là thuộc lịch sử Việt Nam dù xấu tốt thì cũng phải nên đem ra. Trận hải chiến 1974 thuộc một bộ phận lịch sử không thể tách rời của lịch sử Việt Nam,vậy tại sao chúng ta không công bố cho chính người VIệt Nam hiều và biết?. Chúng ta đã sưu tầm đựơc nhiều tranh ảnh, tài liệu quý, vậy tại sao trong sách lịch sử Việt nam các cấp không có in bất cứ phần hình ảnh nào liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa?

       Phần sách địa lý các cấp cũng tuơng tự như sách lịch sử Việt Nam vậy. Tại sao trong sách địa lý và Atlat Địa lý Việt Nam có in đường biên giới trên bộ mà không in phần đường biên giới trên Biển Đông? Tại sao không có một chương trình học nào nói rõ vị trí đảo và địa lý các quần đảo Việt Nam trên biển Đông? Tại sao trong các sách địa lý khi học đến phần địa lý Việt Nam lại không cho in các hình ảnh của Hoàng Sa và Trường Sa vào đó, thay vì in trùng lặp các bức ảnh?

        Có phải là do Bộ giáo dục đánh giá thấp vấn đề tuyên truyền và giảng dạy vấn đề chủ quyền Biển đảo cho người Việt Nam không?

Comments