Thủ Thiêm Chẳng Có Gì Vui


Hãy đọc kỹ bài báo này, rất hay với những số liệu và lập luận thuyết phục, thể hiện một góc nhìn nhân văn. Nhưng khốn thay sự việc vẫn cần được soi chiếu theo góc độ khác.



Hãy nhìn vào bức ảnh được trình bày trong bài báo [1], đó là hình ảnh khu đô thị Thủ Thiêm, sau hàng chục năm cỏ vẫn còn mọc đầy với những khoảng trống mênh mông. Đó là tất cả những gì hiện tại có được từ một dự án về khu đô thị hoành tráng mà vì nó người ta đã lấy đất của hàng vạn hộ gia đình.

Đó là chất lượng của quyết sách đầu tư về khu đô thị Thủ Thiêm, vậy thì mọi người hãy hình dung xem chất lượng của cái quyết sách xây Nhà hát cũng sẽ thế nào?

Làm sao có thể nói dự án xây Nhà hát là sáng suốt trong khi cái dự án tổng thể khu đô thị thì nát bét?

Đối với tôi thì Thủ Thiêm chẳng có gì vui, cái rõ nhất đến thời điểm này mà tôi càm nhận được thì Thủ Thiêm đang là một ổ vấn đề.

Vấn đề thứ nhất ở chỗ những người dân Thủ THiêm bị mất đất mất nhà, những hình ảnh khóc than của dân khiếu kiện đăng đầy trên mặt báo.

Vấn đề thứ hai là sự chậm trễ xây dựng lên những công trình cao đẹp như được vẽ vời hứa hẹn.

Vấn đề thứ ba là những thông tin về sự thất thoát tài sản quốc gia thông qua việc quản lý đất đai ở THủ Thiêm, qua các hơp đồng đổi đất lấy hạ tầng.

Hãy nhìn kỹ vào bức ảnh trong bài báo, trên vùng đất Thủ Thiêm có mấy con đường quanh co mà doanh nghiệp thi công đã tính khối lượng giá trị lên đến nghìn tỷ đồng cho mỗi km dài, mà có người tính ra nó đắt hơn bất kỳ con đường nào từng làm ở Việt Nam, có lẽ cao nhất hành tinh.

Người ta tính toán ra mỗi km đường cao tốc nhiều làn cũng chỉ khoảng đôi ba trăm tỷ chứ đường như ở Thủ Thiêm thì làm gì đến 1000 tỷ cho mỗi km?

Và để đổi lại mấy con đường đó chính quyền thành phố giao các lô đất cho doanh nghiệp. Thế là đổi mấy đoạn đường quanh co doanh nghiệp được những lô đất đẹp, nó đẹp vì chính con đường họ làm đã được thành phố trả tiền (bằng đất) lại phục vụ chính dự án bất động sản của họ. Lợi đơn lợi kép.

Cái kiểu cách đó làm thất thoát tài sản nhà nước khủng khiếp và nhiều người nghi ngờ là khi doanh nghiệp hưởng lợi kép như vậy thì sẽ lại quả cho cán bộ. Một hình thức chia chác cấu kết trục lợi công sản.

Cho nên Thủ Thiêm là một ổ vấn đề. Và Thủ Thiêm đâu có gì vui?

Hãy nhìn tiếp vào bức ảnh, có một khu nhà còn tồn tại mà tôi đã đặt chân đến, nơi này là cơ sở tôn giáo mà giáo hội họ kiên quyết ko di dời, nó trở thành biểu tượng cho sự tranh đấu chống chọi giữa chính quyền muốn giải tỏa và người muốn giữ.

Đó thêm là một hình ảnh đấu tranh cho sự mất còn chứ có gì vui?

Vậy thì xây nhà hát ở THủ Thiêm làm gì. Sao ko xây nơi khác, hoặc sao ko đợi đến lúc khác?

Trong bài báo này đã viện dẫn các con số rất thuyết phục như triển khai dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, cải thiện hệ thống giao thông: 8000 tỉ đồng/năm, xây dựng tuyến Metro: 24.000 tỉ đồng... để cho thấy 1,5 nghìn tỷ xây nhà hát là quá thấp ko đáng lo.

Nhưng xin thưa rằng các con số đầu tư kia là con số đầu tư cho phát triển, là giải pháp tháo gỡ cho vấn đề, còn Nhà hát là cái để thụ hưởng tiêu xài và ko sinh lời (ngoại trừ cái lý do hươu vượn là phát triển văn hóa này nọ).

Thành phố HCM bị nạn ngập lụt và kẹt xe rất khủng khiếp, cả nước biết. Bao nhiêu tiền dành cho vấn đề đó cũng vấn thấy thiếu. Cho nên khi thành phố dành tiền xử lý vấn đề đó thì ko ai trách được. Nhưng sử dụng các con số cho mục tiêu chính đáng đó lập lờ bao biện cho số tiền xây nhà hát ăn chơi thì lại là gian dối.

Để xem số tiền xây nhà hát 1,5 nghìn tỷ là ít hay nhiều thì phải so sánh với:

Thu ngân sách của tỉnh Bến Tre của cả năm 2016 là 1,9 nghìn tỷ. Đắc Nông năm 2017 là 1,6 nghìn tỷ. Ninh Thuận năm 2017 là 2,2 nghìn tỷ.

Tức là số tiền 1,5 nghìn tỷ xây Nhà hát Thủ Thiêm gần bằng tiền thu ngân sách cả năm của một tỉnh nhỏ.

Là một thành phố trong một quốc gia còn nghèo nàn lạc hậu, nhiều vùng đất khó khăn, đời sống dân lao động còn nhọc nhằn, các vấn đề dân sinh chưa đảm bảo, trường lớp học sinh, cơ sở y tế còn thiếu thốn. Thì thử hỏi đã đến lúc xây nhà hát xa xỉ và tại một nơi như thế chưa?

Tác giả
Ngô Ngọc Trai
Chia sẻ từ facebook

Ghi chú:
[1] được tác giả dẫn nguồn từ báo tuổi trẻ.


Comments