Kể chuyện
Cao Biền - Người trấn
yểm long mạch Việt Nam
Cao Biền
Cao Biền (tiếng Hán: 高駢;
tự Thiên Lý; 821–887) là một viên tướng của nhà Đường, ông là người thay mặt
cho nhà Đường cai quản Giao Châu (tên gọi khi đó của Việt Nam) từ năm 866 đến
năm 875 với chức vụ tiết độ sứ. Sau lại làm phản nhà Đường và bị giết năm 887.
Tổ tiên là người Bột Hải (Mãn Châu), sau di cư đến U Châu.
Ông nội là Nam Bình quận
vương Cao Sùng Văn, thời Đường Hiến Tông Lý Thuần (806-820) là một danh tướng,
chỉ huy cấm quân. Từ khi còn nhỏ, Cao Biền đã là người rất chịu khó trau dồi về
văn học. Giao du với các nho sĩ, ông thường bàn luận đường lối chính trị một
cách rắn rỏi. Cao Biền theo Chu Thúc Minh, làm tư mã. Cao Biền làm quan,
được thăng dần đến hữu thần sách đô ngu hậu, sau vì có công, lại được thăng làm
phòng ngự sứ Tần Châu. Những năm đầu thời Đường Ý Tông (859–873), Cao Biền chỉ
huy quân tại biên cương phòng chống người Đảng Hạng và Thổ Phồn, kiêm Tần Châu
thứ sử.
Năm Hàm Thông thứ bảy
(866), Cao Biền sang trấn thủ Giao Châu, làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, cai quản
cả Giao Châu và Quảng Châu. Năm Càn Phù thứ hai (875) đời Đường Hi Tông
(873–888), nhà Đường chuyển ông đến cai quản Tây Xuyên. Cao Biền là người
nghiêm khắc nhưng lạm dụng hình phạt, lạm sát cả người vô tội. Tuy vậy, trong
thời gian cai quản Tây Xuyên ông đã có công lui quân Nam Chiếu.
Năm Càn Phù thứ sáu (879)
quân đội của Hoàng Sào từ bờ nam sông Hoàng Hà tiến về phía tây, triều đình nhà
Đường điều Cao Biền đến làm Hải Quân tiết độ sứ (ngày nay là Trấn Giang, Giang
Tô). Quân của Hoàng Sào chuyển hướng tiến về hướng nam tới Chiết Giang. Tháng 5
năm Quảng Minh thứ nhất (880) tại Tín Châu (ngày nay là Thượng Nhiêu, Giang
Tây) quân Hoàng Sào giết chết Hoài Nam tiết độ sứ (ngày nay là bắc Dương Châu,
Giang Tô). Tháng bảy, quân Hoàng Sào vượt qua Trường Giang. Cùng năm, quân
Hoàng Sào từ Quảng Châu (ngày nay thuộc Quảng Đông) tiến lên phía bắc tới khu
vực Giang-Hoài, Cao Biền khiếp sợ uy thế Hoàng Sào, chỉ cố thủ Dương Châu, dù
binh lực có trên 100.000 để bảo tồn lực lượng. Quân Hoàng Sào tiến vào Trường
An, Đường Hi Tông khẩn cấp điều Cao Biền đem quân cứu giá, nhưng Cao Biền không
tuân lệnh của nhà Đường mà lại cát cứ một phương. Năm Trung Hòa thứ hai (882),
nhà Đường bãi miễn Cao Biền.
Về già, Cao Biền trở nên
tin vào phép thuật thần tiên, trọng dụng thuật sĩ làm lòng người ly tán, tướng
cai quản Hoài-Nam là Tất Sư Đạc rất lo sợ, năm Trung Hòa thứ năm (885) Cao Biền
tạo phản, nhà Đường cử Tuyên Châu quan sát sứ là Tần Ngạn trợ chiến với Tất Sư
Đạc. Năm Quang Khải thứ ba (887), Tất Sư Đạc xuất quân từ Cao Bưu, hợp cùng các
tướng khác tấn công Dương Châu. Cao Biền phái người đi cầu cứu Dương Hành Mật,
nhưng người của Cao Biền chưa tới nơi thì thành Dương Châu đã bị phá, Cao Biền
bị bắt làm tù nhân, một thời gian sau bị Tần Ngạn, Tất Sư Đạc giết chết.
Tại Giao Châu
Năm Ất Dậu (865) Cao Biền
được nhà Đường cử là đại tướng họp cùng giám quận là Lý Duy Chu đem quân sang
đóng ở Hải Môn để giải quyết vấn đề Nam Chiếu. Cao Biền sinh ở cửa tướng lại là
tay văn học uyên thâm dẫn 5000 quân làm tiền đạo và ước cùng Lý Duy Chu điều
động quân hậu viện tiến sau. Lý Duy Chu không muốn Cao Biền thành công, và biết
rằng Cao Biền giàu mưu lược, có tài quân sự ắt sẽ thắng trận. Nam Chiếu tuy
đông nhưng man mọi và ô hợp, chiến đấu lại không có phương pháp. Y chỉ còn cách
không đem quân tiếp viện để Cao Biền hao mòn dần thực lực mà thất bại. Cao Biền
cất quân đi rồi, Lý Duy Chu vẫn cứ đóng binh nguyên vẹn tại chỗ.
Giám quận nhà Đường là
Trần Sắc lại phái thêm 7.000 quân do tướng Vi Trọng Tể điều khiển sang tăng
cường cho đoàn quân viễn chinh của Cao Biền. Bấy giờ Cao Biền mới xuất trận đã
thắng được Nam Chiếu mấy kỳ, và tháng 6 năm 866 cho báo về Trung Quốc. Tháng 9
năm thứ 6 niên hiệu Hàm Thông (865), Cao Biền đánh úp quân Nam Chiếu đang gặt
hái ở Phong Châu (Vĩnh Yên) và cướp thóc lúa đem về nuôi quân.
Biết tình thế khó khăn,
vua Nam Chiếu phái Đoàn Tú Thiên làm tiết độ sứ đất Thiên Xiển (kinh đô riêng
của Nam Chiếu ở tây bắc Giao Châu), phái Dương Tư Tấn đến giúp Đoàn Tú Thiên
giữ Giao Châu, và cho Phạm Nê Ta làm đô thống phủ đô hộ.
Tin báo thắng trận của
Cao Biền đến Hải Môn thì bị Lý Duy Chu chặn lại. Triều đình Trung Quốc lâu
không thấy tăm hơi của Cao Biền liền cho hỏi Lý, Lý nói dối rằng Cao Biền vẫn
không chịu xuất quân và án binh bất động ở Phong Châu. Thực ra lúc đó Cao Biền
đã phá được quân Nam Chiếu, hàng được hơn 1 vạn quân, và đang vây hãm quân Nam
Chiếu ở La Thành quá 10 ngày. Trong lúc đó Đường Ý Tông phái Vương Án Quyền và
Lý Duy Chu tới thay họ Cao, và trước khi về kinh, Cao Biền đã phái Tăng Cổn về
Trung Quốc trình bày tin tức thắng trận và mọi sự hãm hại của họ Lý. Sau khi
giao binh quyền, Cao Biền cùng 100 thủ túc lên đường. Khi vua Đường hiểu rõ
manh mối, Cao Biền được thăng chức kiểm hiệu công bộ thượng thư và được quay
gót về Giao Châu tiếp tục việc đánh dẹp. Trong lúc này Vương Án Quyền và Lý Duy
Chu mới đánh thành. Vương Án Quyền thì nhút nhát còn Lý Duy Chu lại tham lam
tàn ác nên tướng tá không phục, nhờ vậy quân Nam Chiếu giải được vòng vây 2 lần
trốn thoát quá nửa.
Đến khi Cao Biền trở lại,
tháng 4 năm Hàm Thông thứ 7 (866) thì hạ được thành, đánh bại được Dương Tư
Tấn, chém được Đoàn Tú Thiên, Phạm Nê Ta, Nạc Mi và Chu Cổ Đạo là thổ mán đã
làm hướng đạo cho Nam Chiếu cùng sát hại hơn một nửa quân Nam Chiếu. Cao Biền
lại đánh phá 2 động thổ mán đã theo Nam Chiếu và giết tù trưởng. Tháng 11 cùng
năm, nhà Đường đặt Tĩnh Hải quân, dùng Cao Biền làm tiết độ sứ kiêm hành doanh
chiêu thảo sứ các đạo. Bắt đầu từ đấy, Giao Châu đổi tên thành Tĩnh Hải quân
tiết trấn.
Xét ra Giao Châu bị nạn
Nam Chiếu ròng rã 10 năm vô cùng tai hại. Từ đó Cao Biền ở lại Giao Châu làm
tiết độ sứ. Sau khi Nam Chiếu bại trận được vài năm, Trung Quốc bị loạn. Nam
Chiếu lại lợi dụng cơ dấy quân. Vua Đường muốn phương nam được ổn định nên điều
đình gả công chúa cho vua Nam Chiếu. Nam Chiếu liền cử một phái bộ đặc biệt
sang đón công chúa trong đó có mấy thượng tướng. Cao Biền gửi mật thư cho vua
Đường bảo trong phái bộ có 3 nhân vật cao cấp nhất là linh hồn của Nam Chiếu
nên đầu độc họ để trừ hậu họa, sau này Nam Chiếu có phục hồi được ắt cũng còn
lâu. Vua Đường y lời cho đánh thuốc độc vào rượu, các sứ giả Nam Chiếu bỏ mạng
nhờ vậy nhà Đường giữ Giao Châu thêm một giai đoạn.
Cao Biền khởi việc xây
thành đắp lũy ở các nơi biên cảnh để đề phòng giặc giã. Một kỳ công của ông là
việc dựng lên thành Đại La bên bờ sông Tô Lịch. Thành này bốn mặt dài hơn 1.982
trượng, cao 2 trượng 6 thước. Bên ngoài thành có một con đê chạy theo để bao
bọc lấy thành. Đê dài hơn 2.125 trượng 8 thước, cao 1 trượng rưỡi, dầy 2
trượng. Trong thành có tới 20 vạn nóc nhà. Sự sống của nhân dân rất là sầm uất.
Ông lại khai phá các ghềnh thác để mở rộng đường thủy cho các thuyền bè buôn
bán đi lại.
Về mặt cai trị, ông cũng
có một chính sách rõ rệt tránh được mọi điều nhũng lạm của bọn thừa hành. Ông
đã gây được thiện cảm giữa ông và dân chúng cho nên được tôn là Cao Vương. Ông
lập các sở thuế để có tiền chi dụng.
Năm Ất Tỵ (875) vua Đường
đổi Cao Biền đi làm tiết độ sứ tại Tây Xuyên (tỉnh Tứ Xuyên) và ưng thuận lời
đề nghị của Cao Biền cho Cao Tầm (cháu Cao Biền) thay thế ở phương nam.
Thành Đại La
Thành Đại La ban đầu do
Trương Bá Nghi cho đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 đời Đường Đại Tông (767), năm
Trinh Nguyên thứ 7 đời Đường Đức Tông (791), Triệu Xương đắp thêm. Đến năm
Nguyên Hòa thứ 3 đời Đường Hiến Tông (808), Trương Chu lại sửa đắp lại, năm
Trường Khánh thứ 4 đời Đường Mục Tông (824), Lý Nguyên Gia dời phủ trị tới bên
sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ, gọi là La Thành, sau đó Cao Biền cho đắp
lại to lớn hơn. Theo sử cũ thì La Thành do Cao Biền cho đắp có chu vi 1.982,5
trượng (≈6,6 km); thành cao 2,6 trượng (≈8,67 m), chân thành rộng 2,5 trượng
(≈8,33 m), nữ tường[2] bốn mặt cao 5,5 thước (≈1,83 m), với 55 lầu vọng địch, 6
nơi úng môn[3], 3 hào nước, 34 đường đi. Ông còn cho đắp đê vòng quanh ngoài
thành dài 2.125,8 trượng (≈7,09 km), đê cao 1,5 trượng (≈5,00 m), chân đê rộng
2 trượng (≈6,66 m) và làm hơn 400.000 gian nhà.
Người vợ
Theo thần phả ở Hà Đông,
Cao Biền có một người vợ là Lã Thị Nga, theo ông từ phương bắc sang Việt Nam.
Bà không ở cùng Cao Biền trong thành mà ra ở bên ngoài, khu vực ngày nay là thị
xã Hà Đông. Bà đã truyền nghề dệt lụa cho dân ở đây và trở thành bà tổ nghề dệt
lụa Hà Đông. Sau khi Cao Biền về bắc, bà ở lại Tĩnh Hải quân. Sau nghe tin Cao
Biền mất ở Trung Quốc, bà gieo mình xuống sông tự vẫn. Dân lập đền thờ bà ở bờ
sông.
Các truyền thuyết
Với Cao Biền, ngày nay ở
dân gian Việt Nam vẫn còn những truyền thuyết hoang đường, như cho rằng Cao
Biền thấy ở đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, nên thường cưỡi diều giấy
bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sơn thuỷ đẹp, và
chặn những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu.
Mỗi khi thấy người nào
sức yếu, tay chân cử động run rẩy, người ta hay sử dụng câu gần như đã là thành
ngữ: Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non. Người ta giải thích là Cao Biền có phép
thuật "tản đậu thành binh", nghĩa là mỗi khi cần có quân lính đi đánh
dẹp, không cần mộ người chỉ cần rắc đậu vào một bãi đất, rồi ủ kín, đọc thần
chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Có lần Cao Biền đọc thần
chú còn thiếu, khi mở ra những hạt đậu đã thành lính nhưng đều còn non chưa đủ
sức, đứng lên không vững.
Một thuyết khác giải
thích về Cao Biền dậy non là khi Cao Biền sang nước Nam với mục đích yểm bùa và
triệt hạ long mạch thì ông có nuôi 100 âm binh để phục vụ mục đích này. Để nuôi
đủ 100 âm binh Cao Biền nhờ một bà hàng nước mỗi ngày thắp một nén hương để gọi
dậy một âm binh. Khi thắp đủ 100 nén hương trong vòng 100 ngày sẽ gọi dậy được
đủ 100 âm binh. Nhưng bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền bằng cách thắp
cả một lượt 100 nén hương trong vòng 1 ngày. Kết quả là âm binh của Cao Biền đã
dậy đủ 100. Nhưng vì không đủ ngày, dậy non nên không có tác dụng.
Truyền thuyết dân gian kể
rằng khi sang Giao Châu, Cao Biền thấy long mạch rất vượng, nên muốn phá đi,
thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả tảng
lập đàn cúng tế để lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào
hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Cao Biền có lần đến núi Tản, định dùng
chước này, nhưng Tản Viên sơn thánh biết được, liền mắng Cao Biền rồi đi.
Xét ra, theo sử Trung
Quốc, chính Cao Biền khi về bắc bị cấp dưới là Lã Dụng Chi cuốn vào những trò
ma thuật phong thủy và trở thành nạn nhân của những trò pháp thuật đó. Nếu là
thày phong thủy cao tay, ông phải là người đi mê hoặc người khác, không thể bị
mê hoặc và bị chết bởi thuật này.
Sự tích đền Bạch Mã
Chuyện kể rằng Cao Biền
đắp La Thành, mấy lần bắt đầu đều bị sụt lở. Một đêm, Cao Biền đứng trên vọng
lâu nhìn ra, thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy đi, chạy lại như bay, rồi
bảo Cao Biền cứ theo vết chân ngựa chạy mà đắp thành. Vì vậy, sau khi đắp thành
xong, Cao Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ở ngay nơi hiển hiện, gọi là đền Bạch
Mã. Đền thờ này ngày nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Chuyện này còn có dị
bản khác nói rằng Cao Biền đã cho đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi
ngoài cửa đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kì
dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây.
Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng
rằng:Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc
gì mà phải trấn yểm?
Cao Biền lấy làm kỳ lạ,
bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió
sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan
thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần
là thần Long Đỗ.
Sau này Lý Thái Tổ dời
kinh đô đến đất này, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành,
nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo thần Long Đỗ. Chợt
người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một
vòng, đi tới đâu, để vết chân rõ ràng tại đó và cuối cùng vào đền rồi biến mất.
Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân
đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong
tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần.Sau đây là một loạt truyền
thuyết về Cao Biền và việc trấn yểm trên khắp cõi nước NamNhững thanh kiếm
huyền thoại
Kiếm được coi là một
trong những loại vũ khí lâu đời nhất thế giới. Trong 18 ban võ nghệ, kiếm đứng
ở hàng quan trọng nhất. Những thanh bảo kiếm đã trở thành một phần lịch sử võ
học Trung Hoa và được gắn với những thanh kiếm huyền thoại…
Một trong những thanh kiếm
đầu tiên chính là Thái A bảo kiếm. Tương truyền thanh kiếm này được một thợ rèn
ở Giang Tô đúc thành. Nước kiếm sắc ngọt, chém sắt như bùn. Thái A bảo kiếm sau
đó được dâng cho Tần Thuỷ Hoàng và sau khi Tần vương nhất thống thiên hạ đã cho
cắm thanh kiếm báu này trên núi Trâu Tịch để tế cáo trời đất và được coi như
một bảo vật trấn quốc.
Tuy nhiên thanh kiếm nổi
danh thời đó lại là Long Tuyền kiếm do Âu Dã Tử, một thợ rèn kiếm nổi tiếng
Trung Hoa thời cổ làm ra. Trong lần ngao du, ông đã thấy mạch nước Long Tuyền
trên núi Tần Khê (Chiết Giang) có ánh sắc kim khí. Biết nơi đây có quặng sắt
quý, ông cho xẻ núi và lấy được một mảnh "thiết anh" (sắt tốt). Được
Sở Vương giúp đỡ, ông đã dồn hết tinh lực luyện nên Long Tuyền kiếm dài ba
thước sắc như nước dâng cho Sở Vương. Long Tuyền kiếm nổi tiếng đến mức sau này
qua lăng kính văn học mọi thanh kiếm đều được gọi là Long Tuyền và cụm từ
"tay vung ba thước Long Tuyền kiếm" đã trở thành một khẩu ngữ quen
thuộc.
Nước Ngô và Việt thời
Xuân Thu cũng là những nước có nhiều truyền thuyết về những thanh kiếm báu
nhất. Vua Hạp Lư đã từng cho người rèn những thanh bảo kiếm như Ngư Trường,
Chúc Lâu và Trạm Lư. Ba thanh kiếm này tương truyền cũng là do Âu Dã Tử rèn
thành. Hiện nay ở Phúc Kiến vẫn còn chiếc ao tên là Âu Dã, đó là nơi Âu Dã Tử
đã rèn nên bộ ba bảo kiếm trên.
Thanh Ngư Trường, Hạp Lư
giao cho Chuyên Chư đâm chết Ngô Vương Liêu và trở thành vua nước Ngô. Sau đó
Hạp Lư cho rằng thanh Ngư Trường luôn mang đến điềm gở nên cho người giấu
đi.
Thanh Chúc Lâu sau này
được con Hạp Lư là Ngô Phù Sai dùng trong một việc vô cùng ngu dại. Khi Tướng
quốc nước Ngô là Ngũ Tử Tư cảnh báo Phù Sai về mối họa nước Việt, thì Phù Sai
lúc đó đã bị sắc đẹp khuynh thành của Tây Thi và những mưu mẹo của hai mưu thần
nước Việt là Phạm Lãi và Văn Chủng làm cho mê muội nên đã bắt Ngũ Tử Tư dùng
thanh kiếm này mà tự vẫn. Sau này đúng như dự đoán của Ngũ Tử Tư, quân đội Việt
đã tràn sang quét sạch nước Ngô. Việt Vương Câu Tiễn giết chết Phù Sai và chiếm
được thanh bảo kiếm Trạm Lư và Chúc Lâu. Sau khi báo thù, Phạm Lãi sớm biết
được bản chất của Câu Tiễn nên bỏ đi Ngũ Hồ, ông viết thư để lại cho Văn Chủng:
"Vua Việt dáng môi dài mỏ quạ, là người nhẫn tâm mà ghét kẻ có công, cùng
ở lúc hoạn nạn thì được chứ lúc an lạc thì không được, nếu ngài không đi, tất
có tai vạ". Quả nhiên sau đó Việt Vương Câu Tiễn vì ghen ghét tài năng
xuất chúng của Văn Chủng, sợ bị cướp ngôi nên đã trao cho Văn Chủng thanh Chúc
Lâu, Văn Chủng tự hiểu ý, cay đắng cầm bảo kiếm tự sát. Còn thanh Trạm Lư?
Tương truyền khi chết, vì quá yêu thanh bảo kiếm này nên Câu Tiễn đã sai chôn
theo mình.
Tuy nhiên bộ đôi kiếm thư
hùng nổi tiếng nhất Trung Hoa và cũng có nguồn gốc ly kỳ nhất lại là song kiếm
Can Tương-Mạc Gia. Theo "Ngô Việt Xuân Thu" thì Can Tương là một
người luyện kiếm tài danh người nước Ngô thời Xuân Thu. Sau ba mươi ngày trèo
non lội suối, Can Tương đã tìm ra được một quặng sắt vô cùng quý giá và cho
dựng lò luyện kiếm. Luyện trăm ngày mà quặng sắt chẳng chịu chảy ra, vợ ông là
Mạc Gia thấy thế hỏi, Can Tương trả lời: "Kim loại này phải có nhân khí mới
tan được". Nghe vậy Mạc Gia tắm gội sạch sẽ, rồi nhảy vào lò luyện kiếm,
kim loại tan ra và Can Tương rèn được hai thanh bảo kiếm. Vua Hạp Lư đòi ông
phải dâng kiếm báu, ông đưa cho nhà vua thanh Can Tương, nhưng sau đó Hạp Lư
đòi nốt thanh Mạc Gia. Sau khi nước Ngô bị tiêu diệt, thanh Mạc Gia cũng biến
mất.
600 năm sau, tể tướng
nước Tân là Trương Hoa bỗng thấy ở huyện Phong Thành có ánh kiếm quang rực rỡ,
ông sai nhà địa lý giỏi nhất là Lôi Hoàn đến tìm hiểu. Lần theo mạch đất, Lôi
Hoàn tìm được một hộp đá, bên trong là hai thanh bảo kiếm ghi chữ Can Tương và
Mạc Gia. Lôi Hoàn giấu đi thanh Can Tương, chỉ dâng lên Trương Hoa thanh Mạc
Gia. Một hôm khi hai người đi thuyền trên sông, bỗng hai thanh kiếm đeo trên
người rơi tuột xuống sông. Trương Hoa vội cho thợ lặn xuống tìm kiếm báu. Lặn
qua tầng nước, thợ lặn hết hồn vì thấy dưới lòng sông có đôi rồng đang vểnh râu
nhìn. Từ đó hai thanh Can Tương và Mạc Gia coi như mất tích.
Ngoài những thanh bảo
kiếm đã biến mất, cũng có những thanh kiếm lưu lạc khắp nơi và tạo thành những
truyền thuyết khác. Tương truyền Long Tuyền kiếm sau này đã lọt vào tay của Cao
Biền. Khi đi cai trị Việt Nam, Cao Biền đã cho chôn Long Tuyền kiếm vào Long
mạch nước Nam ở… làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho bây giờ. Sau này vào ngày 28/3 năm
Canh Ngọ (1930), đức Hộ Pháp của đạo Hòa Hảo là Phạm Công Tắc đã mang bùa xuống
nơi chôn Long Tuyền kiếm để ẩn trị thanh kiếm này, khai thông long mạch cho
Việt Nam (hiện nay Hộ Pháp Phạm Công Tắc vẫn còn tượng thờ ở Toà Thánh Tây
Ninh).
Năm 1965, tại Lã Vọng Sơn
tỉnh Hồ Bắc, người ta tìm thấy mộ của Việt Vương Câu Tiễn và tìm thấy thanh
Trạm Lư. Các nhà khoa học thấy thanh kiếm này đã được mạ crom (hợp chất chống
gỉ) và theo kiểm tra phóng xạ thì thanh Trạm Lư có 9 nguyên tố hoá học khác
nhau. Sau hơn 2.000 năm, thanh Trạm Lư vẫn sáng bóng và sắc như nước. Một thanh
kiếm khác cũng được tìm thấy ở khu khảo cổ này là thanh Tê Lợi (tương truyền là
do Mạc Gia đúc). Soi phóng xạ người ta thấy trong thanh kiếm này còn có chất
wolfram, một chất hiếm mà mãi sau này người châu Âu mới tìm ra.Chùa Thiên Mụ và
Cao BiềnChuông Thiên Mụ nổi tiếng cả nước với tiếng ngân vang xa rộng của nó.
Quả chuông này do chúa Hiến Tông (Nguyễn Phúc Chu) cấp tiền đúc vào năm Canh
dần (1750). Tiếng chuông chùa Thiên Mụ biểu trưng cho sự hiện diện của Phật
giáo hằng ngày, sớm và chiều tại cố đô Huế, trong lòng mỗi người dân tại cố đô
Huế. Thiên Mụ là bà lão nhà Trời. Theo truyền thuyết, Cao Biền khi làm An Nam
đô hộ phủ ở nước ta, dưới đời nhà Đường, theo lệnh vua Đường là Đường ý Tôn
(860-873), đã đi khắp nơi ở nước ta, tìm những nơi đất tốt có vượng khí, đều
lập phép trấn yểm. Cao Biền đã đến Thuận Hóa, xã Hà Khê, huyện Hương Trà, thấy
giữa đồng bằng đột khởi một cái đồi hình đầu rồng, biết là nơi linh địa, bèn
cho đào hào cắt ngang dưới chân đồi. Đêm đến, Biền mộng thấy một bà lão tóc bạc
phơ, ngồi dưới chân đồi than vãn và nói to: "Đời sau, nếu có bậc minh chủ,
muốn bồi đắp mạch núi lại, đem lại linh khí cho đồi núi này, thì hãy lập chùa
thờ Phật ở đây..."
Nguyễn Hoàng khi vào Thuận
Hóa, tìm cách gây dựng thế lực, để biệt lập và chống đối với họ Trịnh, đã đến
nơi này, nghe các bô lão kể lại câu chuyện bà lão Trời và Cao Biền, thì rất
mừng, lập tức cho xây chùa trên núi, và tự tay viết biển chùa là "Thiên Mụ
tự" (chùa Thiên Mụ - chùa bà lão nhà Trời).
Người Việt Nam bình
thường tin ở thuật phong thủy, nhưng đồng thời cũng tin ở Phật, Bồ-tát, và đạo
Phật. Cao Biền có tài trấn yểm, nhưng dân Việt Nam có xây chùa thờ Phật là mọi
phép yểm của Cao Biền đều bị phá hết. Ảnh hưởng của chùa Phật là ảnh hưởng của
Tam Bảo, của đức Phật thường trú, của Chánh pháp mà bánh xe luôn luôn chuyển
động, của Tăng là những người có trách nhiệm duy trì và hoằng dương Chánh pháp
tại thế gian này.Hàm Rồng mất tíchSự biến mất của kỳ quan này – theo cách lý
giải của Hoàng Tuấn Phổ - là do sự chuyển dòng của sông Mã.
Theo nhận định của Đào
Duy Anh trong cuốn Nước Việt Nam Qua Các Triều Đại (Nhà Xuất bản Văn hóa Thông
tin - 2005) dòng chính của sông Mã trước đây vốn chảy thẳng ra lửa Lạch Trường,
theo lối sông Lèn ngày nay.
Khi ấy ngã ba sông Mã,
sông Ngu (sông Lèn) có tên là Tuần Ngu – nay là ngã ba Bông – nơi thu thuế
đường thủy của nhà Lê.
Một cơn lũ lớn vào đầu
triều Nguyễn đánh chìm một bè gỗ lim lớn, dần dần phù sa bồi đắp làm hẹp cửa
vào dòng sông Ngu Lại, khiến sông Mã phải trổ một nhánh phụ ra lối qua cầu Hàm
Rồng và đổ ra cửa biển Hội Trào như hiện nay.
Sự chuyển dòng một cách
bất đắc dĩ của sông Mã khiến lạch sông nhỏ ngay qua Hàm Rồng trở thành một con
sông lớn, nhấn Hàm Rồng vào sâu trong dòng nước.
Một Hàm Rồng phong thủy
Tôi trở lại Hàm Rồng,
ngắm nhìn phong cảnh. Vẫn núi Rồng, núi Ngọc, sông Mã, động Tiên Sơn, động Long
Quang. Vẫn người Bắc kẻ Nam tập nập lại qua trên hai chiếc cầu bắc ngang dòng
sông Mã. Vẫn non xanh nước biếc hùng vĩ. Vẫn mây trắng ngàn năm bay.
Những ai từng đi ngang
qua xứ Thanh, tỉnh Thanh Hóa ngày nay, nơi dòng sông Mã cắt ngang đường Quốc lộ
1A, hẳn đều biết đến địa danh Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa).
Từ
ngàn năm trước, nơi đây vẫn được ngợi ca là một danh sơn thắng địa, nguồn thi
hứng bất tận cho các tao nhân mặc khách danh tiếng như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh,
Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sĩ Phan Huy Ích, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát,
Tản Đà, v.v… Núi non vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Gọi điện trách, anh bạn
tôi không có vẻ giận, chỉ hỏi: “Đang đứng ở đâu?”. “Trên núi Đầu Rồng, trong
động Long Quang”.
“Đó là hai mắt của Rồng.
Anh đi theo cửa hang nào cũng được, bám vách đá hướng về phía núi Ngọc, thấy
phiến đá cao, là đến mỏm đá mũi rồng.
Phía dưới mũi Rồng có một
hang động hình cáo hàm còn rồng gọi là Hàm Rồng. Nhưng tôi cũng khuyên anh đừng
cố tìm. Hàm Rồng đã mất tích lâu rồi” – Dứt câu anh cúp máy.
Ngọn núi đá vôi mà tôi
đang đứng khá nổi danh trong sử sách. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, núi Hàm
Rồng ngày nay vốn là núi Long Hạm, tên cũ là Đông Sơn, mạch núi từ Ngũ Hoa (xã
Dương Xá, huyện Thiệu Hóa ngày nay) theo bên sông dẫn đến, uyển chuyển liên
tiếp như hình con rồng chín khúc, cuối dãy nổi lên ngọn núi cao, đá chất chồng.
Trên núi có động Long
Quang. Dưới núi có tảng đá lởm chởm trông như hàm rồng đang hút nước sông Mã.
Trong cuốn Lý Thường Kiệt
(Nhà Xuất bản Sông Nhị, Hà Nội - 1949), học giả Hoàng Xuân Hãn cũng có cùng
nhận định: “Núi Long Hàm hay Hàm Rồng là nhỏn cuối của một dãy núi, chạy dài
trên hữu ngạn sông Mã từ làng Dương Xá đến cầu Hàm Rồng, dài trên khoảng năm
cây số. Núi là núi đất lẫn đá nhưng nhỏn Hàm Rồng thì toàn đá.
Trên cao có động tên là
Long Quang. Động có hai cửa hai bên, hình như hai mắt rồng, thường gọi là Long
Nhãn. Núi sát bờ sông, trên bờ có mỏm đá dô ra như hình mũi rồng, cho nên gọi
là Long Tị. Gần mặt nước có hai lớp đá chồng nhau như hàm rồng. Đó là Long
Hàm.
Toàn hình – trông từ
phương phương Bắc – giống như đầu rồng đang uống nước. Bên kia sông có nhỏn đá
tròn, người ta gọi là núi Hỏa Châu. Cảnh chung gọi là Long Hí Châu (Rồng vờn
hạt ngọc)”.
Một nhà nghiên cứu người
xứ Thanh là Hoàng Tuấn Phổ gần đây có đưa ra một cứ liệu khi viết về cuốn Núi
Rồng –Sông Mã (Nhà Xuất bản Văn hóa - 1993).
Tác giả dựa vào lời dẫn
bài Long Hạm Nham Tức Hứng của Phan Huy Ích viết năm 1782: “Sau khi đến nơi
nhậm trị, tôi qua thăm lại cảnh cũ núi Da Sơn (tên cũ là núi Rồng) ở bên cạnh
bến sông.
Chỗ vách đá trống có một
phiến đá cao hơn năm thước ta (hơn hai mét), bề rộng có thể trải được chiếu.
Hình thù đá như cổ cái môi, trơn tru giống như đầu rồng mở miệng vậy. Vì thế
mới gọi là động Hàm Rồng.
Trước động có một hòn đá
rất lớn nhòm xuống dòng sông đột khởi lên như hình hàm rồng ngậm ngọc, cho nên
đặt tên là hòn Đá Ngọc. Trong khoảng giữa chân núi và hòn Đá Ngọc của Hàm Rồng
đã được san lấp thành nền đất bằng phẳng, rộng hai trải chiếu, trên đó dựng một
am nhỏ, đặt tên Song Lạc Quán.
Khoảng
trống vách bên phải tạm chứa được bốn, năm người ngồi, tôi thường bao con hát
vào đó đàn hát gọi là Nhạc Phòng.
Vách
đá trái - tùy theo hình thể của đá – sắp đặt bàn trà, chỗ bếp rượu, tôi lại
khắc chữ vào ria núi đá và xây dựng công đường, nhà cao cửa rộng, có hành lang,
trồng cây, trồng hoa thành hàng lối, phong cảnh rất đẹp…”.
Nếu
những cứ liệu trên đủ sức thuyết phục, có thể khẳng định, sở dĩ ngọn núi này
nổi tiếng vì nó có một điểm sất đặc biệt. Núi có dáng hình một con rồng đang há
miệng.
Nhưng
tôi xuống sát mép nước, đi ra xa theo phía bờ bắc, rồi đứng cao trên đỉnh núi
Ngọc đối diện, thấy rất rõ dáng núi như đầu rồng nhưng hàm rồng thì thú thực
không thấy đâu.
Có
lẽ nào hình tượng Hàm Rồng đẹp như cảnh tiên ấy – như cách anh bạn mọt sách của
tôi nói – từng hiện diện nhưng nay mất tích.
Khi
tôi đem sự băn khoăn đến hỏi một người từng nghiên cứu khá kỹ về Hàm Rồng, lại
nhận thêm một ý kiến khác.
Phải
chăng hàm rồng chỉ là một thuật ngữ của khoa học phong thủy. Đó là ý kiến của
ông T – một trong số ít người của xứ Thanh còn xác định được 28 huyệt mà Thánh
địa lý Tả Ao phát hiện ở Thanh Hóa.
Ông
T cho rằng, các nhà phong thủy có câu: “Tiên tích đức, hậu tầm long” (tức là
chứa tức trước, tìm đất sau).
Trong
phép tầm long của các nhà phong thủy, trước hết phải tìm tổ núi, rồi dò theo
long mạch mà tìm đến huyệt.
Huyệt
là thế đất có án che phía trước, chẩm làm chỗ dựa phía sau, bên trái là tay
long, bên phải là tay hổ.
Long
mạch có thể lớn hoặc nhỏ, có nhiều điểm kết mà điểm kết tốt nhất gọi là hàm
rồng. Người ta thường nói những gia tộc được đại phú đại quý là nhờ có “mả táng
hàm rồng” là vì vậy.
Hàm
Rồng nay ở đâu?
Trước anh bạn tôi có
nhiều người quan tâm đến một vách đá hình miệng rộng đang há ngay mép nước, bên
trong có chứa long mạch hàm rồng. Người coi lời dẫn tựa của bài Long Hạm Nham
Tức Hứng như lời chú của vị quan châu đi tìm bí mật hang Thần trong truyện Vàng
Và Máu của Thế Lữ.
Người đi tìm long mạch,
người đến chỉ vì tò mò nhưng nhìn chung, ai cũng cố vén bức màn huyền bí để mục
sở thị cái hình tượng khởi khát cho cái tên Hàm Rồng hiện nay.
Trong cuốn sách đã dẫn,
tác giả Hoàng Tuấn Phổ còn dựa vào bài thơ Long Đại Nham của Nguyễn Trãi để
khẳng định có một hang đá tự nhiên mang hình tượng con rồng há miệng.
Có vẻ hơi khiên cưỡng khi
cho rằng Long Đại Nham là động lớn núi Rồng (Đại nham: động lớn) và câu: “Lê
Phạm phong lưu ta tiệm viễn/Thanh đài bán thực bích gian thi” .
(Lê,
Phạm văn phong dần vắng thấy/Rêu tường xóa lấp nửa vần thi – Lê Cao Phan dịch)
chứng tỏ bản khắc thơ trong động của hai danh sĩ đời Trần là Lê Quát và Phạm Sư
Mạnh bị rêu phong vì hang động thấp, gần nước sông.
Năm 1949, nhà sử học
Hoàng Nguyên Hãn chứng minh cuốn An Nam Chí Lược (Lê Tắc soạn - 1335), bộ sách
được coi là Hàm Rồng ngày nay còn họi là Long Đại Nham, Bảo Đài Sơn hay Hang
Dơi là sai.
Một
số sách đời sau như An Nam Chí (Cao Hùng Trưng) hay Việt Kiều Thư, Minh Chí đều
chịu ảnh hưởng của sách này, nên có chung lỗi đó.
Theo ông, đó là ngọn núi
Linh Trường, Lê Thánh Tông viết: “Núi xanh cao vót, dáng dị kỳ, đứng sững ở cửa
biển. Chân núi có động, sâu thẳm khôn cùng, tương truyền đấy là miệng rồng.
Ngoài cửa động có viên đá hình cái mũi, tương truyền đấy là mũi rồng.
Dưới mũi lại mọc ra một
viên đá tròn nhẵn nhụi đáng yêu, tương truyền đấy là hạt ngọc. Đá lớn đá nhỏ lô
nhô rất nhiều hình thái, chỗ thưa chỗ dày, không thể đếm được, tương truyền là
râu rồng…”.
Núi
đó từng có thơ của Lê, Phạm đề, nên nếu tìm theo hướng đó, chúng ta sẽ phải xa
nơi cần tìm hàng chục km.
Vị
trí Hàm Rồng lâu nay vẫn được phỏng đoán là nơi cuối cùng của núi Đầu Rồng,
dưới đôi mắt và mũi rồng, hướng về phía núi Ngọc (Hỏa Châu Phong).
Nhưng
nó là những phần đất còn lại, hay chìm sâu giữa dòng sông Mã như bây giờ thì
chưa ai khẳng định được. Nếu là phần trên bờ, chỉ cần khai quật đi lớp cát bồi
chừng dăm ba mét, hy vọng sẽ thấy.
Nhưng nếu chân núi Rồng
vốn vươn xa ra giữa sông , hy vọng tìm thấy là rất mong manh, vì nước nơi này
cực xiết. Trước đây người ta không dễ hạ được một móng cầu thì ai có thể xuống
đó mà thám hiểm.
Hơn
nữa, trải qua mấy trăm năm dưới dòng sông Mã với lượng nước trung bình năm 52,6
m3/s, modul dòng chảy năm 221/s.km2, tổng lượng cát bùn khoảng 3,027.106 tấn,
liệu Hàm Rồng có còn dấu tích.
Chúng
tôi đem những băn khoăn ấy định trao đổi với ông Ngô Hoàng Chung, Giám đốc Sở
Văn hóa Thông tin Thanh Hóa. Ông Chùng từ chối vì Hàm Rồng không thuộc quản lý
của Sở và chỉ sang Phòng Văn hóa Thành phố.
Theo ông Hà Huy Tâm,
Trưởng phòng Văn hóa Thành phố, thắng cảnh Hàm Rồng là quần thể di tích với 16
hạng mục cấp tỉnh. Về hang động thì có hai hạng mục chính là động Tiên Sơn và
động Long Quang.
Từ
trước tới nay, địa phương chưa từng tổ chức một đợt khảo sát nào để tìm lại
thắng tích. Xét thấy việc tìm lại thắng tích Hàm Rồng, ngoài yếu tố tâm linh
còn là sự giáo dục truyền thống.
Ông
Tâm khẳng định, nếu hội tụ đủ một số điều kiện cần, sẽ có tờ trình UBND TP Thanh
Hóa để làm.
Liên
quan đến núi Hàm Rồng và huyệt hàm rồng trong phong thủy, có một truyền thuyết
kể rằng vào khoảng năm 866 – 875, tiết độ sứ đất Giao Châu (tên nước ta thời
thuộc Đường) là Cao Biền, rất giỏi về phong thủy, am hiểu việc làm bùa chú, lại
biết nuôi âm binh, có thể ném hạt đậu hóa thành binh lính.
Biền
thấy đấy Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, sợ dân nơi đây bất khuất, khó
lòng cai trị, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét và tìm cách trấn yểm các
long mạch để phá vượng khí của người Nam.
Bay
qua vùng núi Hàm Rồng, nhìn thấy huyệt Hàm Rồng, Biền nói rằng địa thế này tuy
không phải là hung địa “xương long vô túc” (rồng không chân) nhưng cũng là hình
con rồng què chân, không phải đất cực quý, nên bỏ đi.
Miệng nói vậy nhưng chính
y lại âm thầm trở lại, mang theo hài cốt cha để táng vào mong sau này có thể
phát đế vương. Sau nhiều lần táng mả cha vào, xương cốt cứ bị huyệt núi đùn ra,
không kết phát.
Cao
Biền biết rằng đây là long mạch cực mạnh, cực quý. Thì lại càng ham thích. Rắp
tâm làm đến cùng, Biền bèn tán nhỏ xương vừa tung lên thì có muôn con chim nhỏ
cùng bay đến, vô cánh quạt vù vù làm xương cốt bám trên vách đá bay tứ tan.
Biền
than rằng linh khí nước Nam quá mạnh, không thể cưỡng cầu. Quả nhiên không lâu
sau, Biền bị triệu về nước rồi bị giết. Và sau này, đất Thanh là nơi phát khởi
của nhiều vua chúa.
Nhiều người cho rằng,
những chim nhỏ phá phép trấn yểm của Cao Biền là thần linh của sông núi nước
Nam. Có người lại cho rằng đó là do Thánh Tả Ao hóa phép.
Theo
truyền thuyết, cụ Tả Ao là vua phong thủy của nước ta, chuyên phá những long
mạch bị Cao Biền trấn yểm.
Không
ai rõ tên và năm sinh, năm mất của Tả Ao nên chỉ gọi theo tên làng. Nhiều tài
liệu phỏng đoán cụ tên thật là Vũ Đức Huyền hay Hoàng Chiêm hoặc Hoàng Chỉ,
Nguyễn Đức Huyên, v.v…, sống ở làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh vào thời
Lê.
Cũng
có người nói ông sống trước thời Tùy Đường. Nhờ chữa cho một thầy phong thủy
người Tàu khỏi mù mắt, cụ được thầy này truyền nghề lại. Tả Ao học một biết
mười, chẳng bao lâu biết hết các tuyệt kỹ của thuật phong thủy, bèn xin về
nước.
Thầy Tàu sau khi thử tài
cụ, than rằng: “Tất cả tinh hoa môn phong thủy đã truyền về phương Nam rồi!”.
Sợ Tả Ao biết hết các huyệt đế vương ở nước Nam mà khởi phát, thầy dặn khi đi
trên đường về quê, qua nơi nào có sông núi phải nhắm mắt lại kẻo bị mù mắt.
Nhưng
khi đi qua Hàm Rồng, do tính tò mò, Tả Ao hé một mắt nhìn, một mắt nhắm và phát
hiện đây có một huyệt là hàm rồng sắp mở miệng. Cụ bèn đem hài cốt cha đến
đợi.
Nhưng
người nhà thấy Ao đào hài cốt cha đem đi thì hoảng hốt, chạy theo khóc lóc
không cho làm thế.
Giằng
co mãi đến lúc hàm rồng khép miệng lại mà không táng được. Lại có khảo dị rằng,
Tả Ao muốn cho con cháu phát khởi nên, trước khi chết, dặn con cháu đem chôn
mình vào đấy lúc rồng há miệng.
Các
con người nghe, người cản nên đành hỏng việc. Vì vậy có người nói, tài giỏi như
Tả Ao nhưng không đủ phúc phận cũng đành chịu. Đền Bạch Mã - Hà Nội
Ðược
xây dựng trước khi có kinh thành Thăng Long, đền Bạch Mã (ở Hàng Buồm, Hà Nội)
nằm ở hướng chính đông, đã trở thành một trong tứ trấn của kinh đô thuở ấy. Đền
xưa thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay là
số 3 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đền
Bạch Mã được Cao Biền xây từ năm 866 và được hoàn thiện vào năm 1010 dưới thời
vua Lý Thái Tổ. Đây là một ngôi đền lớn có kiến trúc cổ, quy mô bề thế còn lưu
giữ được những nét kiến trúc đặc sắc thời Lý, Trần.
Truyền
thuyết kể: Khi xưa, Cao Biền - một viên tướng của phương Bắc sang ta đắp thành
Đại La. Một buổi đi dạo chơi ở ngoài cửa Đông, Cao Biền bỗng thấy mây trời vẫn
vũ rồi có năm sắc màu rực rỡ bốc lên và tụ lại ở trên không.Tại đó xuất hiện
một ông cụ râu tóc bạc phơ, đầu đội mũ hoa, mình mặc áo tía, xiêm thêu, giày đỏ
cưỡi rồng bay lượn, hồi lâu mới biến vào trời xanh. Đêm về Cao Biền lại nằm mơ
thấy ông Cụ buổi sáng hiện về tự xưng là Long Đỗ Vương. Hoảng sợ, y cho xây đền
thờ thần Long Đỗ và đúc một tượng sát hình nhân dị dạng nhằm yểm ngục, không
cho nước Nam phát triển nhân tài. Nhưng, đúng lúc đang chuẩn bị làm lễ yểm thì
trời bỗng nổi sấm sét, xới tung tất cả đỗ trần yểm. Cao Biền hoảng sợ thét lên:
"Thần ma của nước Nam rất thiêng, không có cách nào trị nổi nó được"
Theo một cuốn sách về văn
bia ở Hà Nội thì "Bạch Mã là một ngôi đền rất thiêng". Trong các vị
thần thiêng ở Long Thành, Bạch Mã Đại vương linh thiêng nhất… Đây là vị thần
chúa tể một khu vực ngàn dặm được tất cả các đời vua cúng tế".
Đền Bạch Mã còn được gọi
là "Đông trấn chính từ" vì đền thờ Long Đỗ chính khí tức là Quốc Đô
Thành Hoàng Thăng Long trấn ở phía Đông thành. Tượng thần Long Ðỗ làm bằng
đồng, vốn là vị thần của hương Long Ðỗ - làng Rốn Rồng. Ðấy là nơi tụ cư đầu
tiên trên đất kinh kỳ, sau này. Cả nghìn năm trước khi Lý Thái Tổ định đô và
dựng kinh thành Thăng Long, cư dân hương Long Ðỗ, đã chọn ngọn Núi Nùng - Nùng
Sơn chính khí - và dòng sông Tô - Tô Lịch giang thần - làm chỗ dựa phong thủy ở
chính giữa đất trời. Người đứng đầu làng sau đấy trở thành phúc thần, che đỡ
cho cả vùng đất Rồng thiêng, ngày càng mở rộng ra, quanh chỗ Rốn Rồng... Ðền
thờ thần Long Ðỗ (Thần Long Đỗ tức thần núi Long Đỗ, cũng gọi là núi Nùng, nơi
tiếp nhận khí thiêng của sông núi kinh thành Thăng Long) và ngựa trắng, từng
được sử sách ghi lại nhiều sự tích hư thực.
Năm
1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long và bắt đầu công cuộc xây dựng
thành. Lúc đầu, thành cứ xây xong lại đổ. Lý Công Uẩn bèn đến ngôi đền thờ Long
Đỗ vương để cầu thần. Đêm về, nhà vua nằm mộng thấy một con ngựa trắng từ trong
đền đi ra. Ngựa đi đến đâu, để lại dấu chân đến đó, đi hết các ngả đường rồi
lại quay về đền và biến mất. Vua sai quân lính đắp thành theo vết chân ngựa
trắng, quả nhiên thành đứng vững. Từ đó, đền được mang tên "Bạch Mã tối
linh từ" và ngày càng được tu bổ, trân trọng.
Vào nửa cuối thế kỷ thứ
9, viên quan cai trị cáo già đã có lần đụng độ với chính vị phúc thần Long Ðỗ
này. Trong âm mưu diệt trừ các vị thần linh trong tâm thức người Việt cổ, y đã
dùng độc thủ: đem đồng sắt chôn yểm ở ngay chính ngôi đền thờ thần Long Ðỗ để
hại thần. Nhưng, chỉ trong một đêm mưa gió, thần Long Ðỗ đã huy động sấm sét
đánh tan thành cát bụi những hung khí độc hại kia. Thần được tôn làm "Ðô
phủ Thành Hoàng Thần Quân". Vậy là vị phúc thần của hương Long Ðỗ trở
thành phúc thần của cả thành Ðại La. Hơn trăm năm sau, khi cậy nhờ thần linh ở
đền Bạch Mã phù trợ đắp dựng kinh thành Thăng Long, Vua Lý Thái Tổ đã cầu viện
đến thần Long Ðỗ, được thờ ở đền này. Vì thế, khi đã nên công, thần Long Ðỗ
được Lý Thái Tổ phong làm "Quốc đô định bang Thành Hoàng Ðại Vương",
trở thành phúc thần của cả tòa kinh thành đứng đầu đất nước.
Những sự tích huyền kỳ,
hư hư thực thực giữa lịch sử và huyền thoại quanh một ngôi đền Bạch Mã có chủ
đề tín ngưỡng, được ghi trên bài vị là: "Long Ðỗ Thần Quân Quảng Lợi Bạch
Mã Ðại Vương" như thế này, qua góc nhìn văn hóa học, sẽ thấy ở đây, có
những mẫu đề chung với những sự tích tại nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác.
Ðó là những di tích mà số lượng được kiểm kê - riêng ở TP Hà Nội - đã lên tới
con số gần hai nghìn, và việc công nhận di tích quốc gia thì đã được tới hơn
năm trăm. Trên phạm vi cả nước, những con số tương ứng, có thể lên tới hàng vạn
và hàng nghìn.
Trải qua thời gian và
chiến tranh, ngôi đền vẫn đứng đó như một minh chứng cho sức sống bất diệt của
con người và nền văn hóa Việt Nam. Ở đây hiện lưu lại bài thơ của Thái sư Trần
Quang Khải ca ngợi ngôi đến linh thiêng vẫn vẹn nguyên sau ba lần kháng chiến
chống quân Nguyên Mông. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, B52 rải thảm ở miến
Bắc, mọi thứ xung quanh đến đều bị tàn phá, riêng ngôi đền vẫn còn đó, thách
thức cả đạn bom. Đây quả là một hiện tượng kỳ lạ.
Một số ông từ trước đây
trông coi đền vẫn thường nằm mộng thấy thần Long Đỗ hiện về nhưng 10 năm trở
lại đây thì không thấy. Theo lời một vị sư đã hơn 90 tuổi thì thần Long Đỗ
chính là thánh nhân được thiên đình cử xuống phù hộ cho nhân dân, nhưng nay đất
nước đã thanh bình, nhân dân đã no ấm nên thần bay về trời.
Qua từng thời và có những
thời, đối với từng di tích hoặc nhóm di tích và sự tích, trong tổng thể nghìn
vạn đơn vị như thế, đã xuất hiện và tồn tại những cách thức và mức độ nhận
hiểu, đánh giá, ứng xử đúng sai, cao thấp, nông sâu khác nhau. Vì thế, từ việc
thẩm định đến sự hành động, có thể và nên xuất phát từ một cái nhìn tổng thể để
trước hết hãy định vị và phân loại chúng. Bởi, cho dù thế nào, chúng cũng vẫn
cứ là một thành phần đáng kể trong toàn bộ di sản văn hóa của dân tộc, do các
thế hệ trước để lại. Di sản này thường được hình dung thành hai bộ phận: văn
hóa vật thể là những di tích, và văn hóa phi vật thể gồm những sự tích. Một tư
liệu có niên đại thế kỷ 13, thời Trần cho biết: Kinh thành Thăng Long lúc này
thường xảy ra cháy lớn, khu vực dân cư đông đúc phồn thịnh phía đông - tức
"khu phố cổ" Hà Nội bây giờ - mấy phen bị lửa thiêu rụi, nhưng lần
nào hỏa tai cũng ngừng lại khi lửa chỉ mới bén đến gần đền! Nơi thờ thần Long
Ðỗ, Bạch Mã, điểm thiêng trấn giữ và làm mốc giới cho mạn và hướng mặt trời mọc
của kinh đô Ðại Việt, vì thế mà đến nay vẫn nguyên hình là một vật thể đẹp đẽ,
hiếm lạ và quý báu nằm ở số nhà 76, giữa phố cổ Hàng Buồm. Ðây còn là nơi lưu
giữ được cả một tài sản phi vật thể và vô giá, trong đó có cả lời thơ ca vịnh
của chính Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải:
"Lửa bốc ba lần không cháy đến
Gió lừng một trận chẳng hề nghiêng!"
Khí phách linh diệu của
tinh thần dân tộc mấy nghìn năm được thể hiện qua những lần thần Long Ðỗ - Bạch
Mã che đỡ cho oai phong đất Rồng chống lại các thế lực hắc ám, mưu toan nô dịch
hoặc cản phá sự dựng xây kinh đô Ðại Việt, còn tài tình hiển hiện trong ba lần
hỏa tai - mà đều phải khựng lại.
Một tinh thần dân tộc -
hiện thực hoặc linh thiêng - như thế, thường chính là tiêu điểm trong hệ giá
trị của những di tích và sự tích ở trong tổng thể di sản văn hóa quá khứ của
chúng ta, cho dù có khi chúng hiển hiện ở dạng hình khối, đường nét, sắc mầu
của kiến trúc, điêu khắc vật thể, có khi lại huyền hoặc, mơ hồ - "trâu ma
rắn thần" - như các sử thần ngày xưa từng nói về chúng, hay là "phải
đào sâu suy nghĩ", như bây giờ ta đang ngẫm nghiệm về các hình thức phi
vật thể của chúng.
Theo Giáo sư Lê Văn Lan,
trong hai bộ phận của di sản là di tích và sự tích lịch sử đền tiềm ẩn một khí
phách và tinh thần dân tộc vừa hiện thực vừa linh thiêng. Di tích lịch sử văn
hóa hơn nghìn năm tuổi này - cổ kính, âu đời nhất trong số các ngôi đền xưa của
kinh thành Thăng Long còn sót lại được tới nay vì đã xuất hiện trước cả khi Lý
Thái Tổ định đô nơi đây.
Trong
kho tàng di sản văn hóa dân tộc, bộ phận di tích và sự tích lịch sử, cổ xưa hay
cận đại, cũng đều tiềm ẩn hoặc bột phát khí phách và tinh thần dân tộc, nhiều
khi đặc sắc đến lạ lùng như thế. Ðấy là một giá trị hàng đầu, trong hệ giá trị
phong phú và lớn lao của kho tàng di sản văn hóa dân tộc, đóng góp và làm nên
những phương diện quan trọng của bảng giá trị Việt Nam. Chính là điều này, nghìn
năm qua và cho đến bây giờ, đã và đang là định hướng và làm động lực cho sự
phát triển của dân tộc ta, vừa định vị và bảo toàn cho sự phát triển bền vững
và lâu dài ấy.
Đền đã được sửa chữa
nhiều lần, cuối thế kỷ 17 được tôn thêm nền cũ và mở rộng thêm. Năm 1781, chúa
Trịnh chuẩn y cho dân các giáp Mật Thái, Bắc Thượng, Bắc Hạ, và Hà Khẩu xung
quanh đền Bạch Mã được "tạo lệ" (sắm lễ vật tế, không phải sưu sai,
tạp dịch khác). Năm 1829, sửa chữa thêm tráng lệ. Năm 1839 dựng thêm văn chỉ ở
bên trái đền, dựng Phơng đình để làm nơi cúng lễ các tuần tiết.
Trong
số các ngôi đền ở Hà Nội, đến Bạch Mã hiện còn lưu giữ được nhiều bia nhất. Đền
được xây dựng theo hình chữ tam, bên ngoài là phương đình tám mái, có một tam
bảo và có hơn 13 hoành phi, văn bia nói về thần Long Đỗ và Bạch Mã, nghi lễ
cúng thần, các lần trùng tu tôn tạo. Ngày nay. Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân
dân ta thường xuyên góp công sức và tiền bạc để tu bổ ngôi đến nhằm lưu giữ mãi
những chứng tích xa xưa của lịch sử, của hồn khí Thăng Long. Ngôi đền vẫn giữ
nguyên cấu trúc, nhưng được sắp xếp lại theo cấu trúc "Tam nguyên đồng
hóa" tức là thêm điện thờ Phật và Mẫu. Lễ hội đền hàng năm diễn ra vào
tháng 2 âm lịch,truớc đây có tổ chức lễ đánh trâu rước xuân. Ngày 12-12-1986, đền
được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích văn hóa và nghệ thuật.Cao Biền
Bình Giặc Nam Chiếu.
Cao Biền là người tướng
giỏi nhà Đường, vốn dòng võ tướng môn, tính ham văn học, quân sĩ đều có lòng
mến phục.
Năm Ất Dậu (865), Cao Biền cùng với quan Giám
Quân là Lý Duy Chu đưa quân sang đóng ở Hải Môn. Nhưng Lý Duy Chu không ưa Cao
Biền, muốn tìm mưu làm hại. Hai người bàn định tiến binh. Cao Biền dẫn 5.000
quân đi trước, Lý Duy Chu không phát binh tiếp ứng.
Tháng chín năm ấy quân rợ
đang gặt lúc ở Phong Châu (huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên), Cao Biền đến đánh
cất lẻn một trận, giết được nhiều người, rồi lấy thóc gạo nuôi quân lính.
Đến tháng 4 năm sau
(866), Nam chiếu cho bọn Dương Tập, Phạm Nê Ta, Triệu Nặc Mi sang giúp Đoàn Tù
Thiên để giữ Giao Châu. Khi bấy giờ có tướng nhà Đường là Vi Trọng Tể đem 7.000
quân mới sang, Cao Biền nhân dịp mới phát binh đánh được mấy trận, cho người
đưa tin thắng trận về Kinh, nhưng mà đi đến Hải Môn, Lý Duy Chu giữ lại, không
cho triều đình biết.
Trong triều mãi không
thấy tin tức gì, cho ra hỏi, thì Lý Duy Chu tâu dối rằng Cao Biền đóng quân ở
Phong Châu không chịu đánh giặc. Vua nghe tin ấy, nổi giận sai Vương Án Quyền
ra thay, và đòi Cao Biền về hỏi tội. Ngay tháng ấy Cao Biền phá quân Nam Chiếu
và vây La Thành đã hơn 10 ngày rồi, chỉ nay mai thì lấy được, bỗng chốc được
tin Vương Án Quyền và Lý Duy Chu sang thay. Cao Biền liền giao binh quyền cho
Vi Trọng Tể, rồi cùng với mấy người thủ hạ về Bắc. Nhưng trước Cao Biền đã sai
người lẻn về Kinh dâng biểu tâu rõ tình trạng. Vua nhà Đường biết rõ sự tình,
mừng lắm, lại cho Cao Biền thăng trật và sai trở sang cầm quân đánh Nam
Chiếu.
Bọn Vương Án Quyền và Lý
Duy Chu lười biếng không vây đánh gì cả, đến khi Cao Biền trở sang mới đốc quân
binh đánh thành, giết được Đoàn Tù Thiên và người thổ làm hướng đạo là Chu Cổ
Đạo. Còn những động Mán Thổ ở các nơi xin về hàng rất nhiều.
Đất Giao Châu bị Nam
Chiếu phá hại vừa 10 năm, đến bấy giờ Cao Biền lấy lại, đem về nội thuộc nhà
Đường như cũ.
Công Việc Của Cao Biền.
Vua nhà Đường đổi An Nam
làm Tĩnh Hải, phong cho Cao Biền làm Tiết Độ Sứ. Cao Biền chỉnh đốn mọi công
việc, lập đồn ải ở mạn biên thùy để phòng giữ giặc giã, làm sổ sưu thuế để chi
dụng việc công20. Cao Biền trị dân có phép tắc cho nên ai cũng kính phục, bởi
vậy mới gọi tôn lên là Cao Vương.
Cao Biền đắp lại thành
Đại La ở bờ sông Tô Lịch. Thành ấy bốn mặt dài hơn 1982 trượng linh 5 thước,
cao hai trượng linh 6 thước, đắp một đường đê bao bọc ở ngoài dài hơn 2125
trượng linh 8 thước, cao 1 trượng rưỡi, dày 2 thượng. Trong thành cho dân sự
làm nhà hơn 40 vạn nóc (?).
Sử chép rằng Cao Biền
dùng phép phù thủy khiến Thiên Lôi phá những thác ghềnh ở các sông để cho
thuyền bè đi được. Thiên Lôi ấy có lẽ là Cao Biền dùng thuốc súng chăng?
Tục
lại truyền rằng Cao Biền thấy bên Giao Châu ta lắm đất đai đế vương, thường cứ
cỡi diều giấy đi yểm đất, phá những chỗ sơn thủy đẹp, và hại mất nhiều long
mạch. Những chuyện ấy là chuyện ngoa ngôn, không có lẽ gì mà tin được.
Năm
Ất Vị (875) vua nhà Đường sai Cao Biền sang làm Tiết Độ Sứ ở Tây Xuyên (Tứ
Xuyên). Biền dâng người cháu họ là Cao Tầm làm Tiết Độ Sứ ở giao Châu.
Nhà
Đường tuy lấy lại được đất Giao Châu nhưng bên Tàu lại sắp loạn, giặc cướp dần
dần nổi lên, ngôi nhà vua cũng dần dần sắp đổ, nước Tàu lại chia rẽ làm mấy
nước, cho nên ở xứ Giao Châu cũng có sự biến cải.
Mộ Cao Biền
Đầm Ô Loan nằm sát quốc
lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau, cách thành phố Tuy Hoà 22km. Đây là một địa danh
gắn với phong trào Cần Vương của tỉnh Phú Yên.
Đầm Ô Loan rộng khoảng
1.200 ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang
xòe cánh, còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả
bay.
Phía
tây đầm Ô Loan là những quả đồi nhỏ nằm san sát nhau. Phía đông là mả Cao Biền.
Dân gian cho rằng trên đường đi ếm hại nhân tài nước Nam , Cao Biền đã bị trời
chôn tại đây.
Cao
Biền chết tại Đồng Môn
Nguồn: Sưu tầm
Comments
Post a Comment