HÀN QUỐC TỪ GIUN HÓA RỒNG
Hàn Quốc
vào đầu thập niên 1960 là nước kém phát triển nhưng sau đó vượt qua giai đọan
phát triển ban đầu và thành công trong giai đọan phát triển bền vững, trở thành
nước tiên tiến trong thời gian rất ngắn. Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa
của nước này bắt đầu từ khi Park Chung Hee nắm chính quyền (năm 1961), thiết lập
thể chế độc tài nhưng với quyết tâm phát triển đất nước. Chế độ độc tài kéo dài
đến hết thời Chun Doo Hwan, trải qua mấy biến cố chính trị sôi động, đến năm
1987 họ đã thành công trong việc chuyển sang thể chế dân chủ bằng cuộc bầu cử tổng
thống đầu tiên. Năm 1988 Hàn Quốc tổ chức thành công Thế vận hội Seoul và năm
1996 được kết nạp vào khối OECD. Từ lúc bắt đầu kế họach phát triển đến khi trở
thành thành viên của tổ chức các nước tiên tiến, Hàn Quốc chỉ mất có 35 năm! Nếu
kể từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt thì cũng chỉ có 43 năm. Hàn Quốc cũng
bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chánh Á châu nhưng đã khắc phục được ngay
(GDP đầu người chỉ giảm năm 1998) nhờ nền tảng cơ bản của nền kinh tế vững chắc
và các nhóm tài phiệt mà họat động cho vay và đầu tư không hiệu quả của họ đã
gây ra khủng hỏang là những tổ hợp tư nhân, ảnh hưởng ít đến cả nền kinh tế.
![]() |
Seoul 1960 - Những khu ổ chuột như thế này là chủ yếu |
Tại sao Hàn
Quốc thành công trong quá trình phát triển liên tục, chuyển từ giai đoạn tăng
trưởng ban đầu sang giai đoạn phát triển bền vững? Rất nhiều công trình nghiên
cứu về kinh nghiệm nước này. Từ góc độ tham khảo cho Việt Nam, và đặt tiêu điểm
vào mặt cơ chế, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến các yếu tố sau:
Thứ nhất,
ngay từ đầu đã có ngay sự đồng thuận của xã hội về sự cần thiết phải phát triển,
phải theo kịp các nước tiên tiến, nhất là theo kịp Nhật (nước láng giềng từng
đô hộ mình). Để có sự đồng thuận, năng lực, ý chí và chính sách của lãnh đạo
chính trị là quan trọng nhất. Dù dưới chế độ độc tài, quyết tâm phát triển của
lãnh đạo chính trị được thể hiện bằng các chiến lược, chính sách do lớp kỹ trị
xây dựng, quan chức được tuyển chọn theo năng lực, người tài được trọng dụng.
Như nhận xét của Evans (1995, p. 51), ở Hàn Quốc, nhà nước có truyền thống chọn
được nguời tài ra làm việc nước từ những người giỏi nhất ở các đại học danh tiếng
nhất. Đặc biệt, Park Chung Hee lập Hội đồng hoạch định kinh tế (Economic Planning
Board) quy tụ những chuyên gia học ở Mỹ về, được giao toàn quyền họach định chiến
lược.
![]() |
Seoul 1980 (Tòa nhà Bộ quốc phòng Hàn Quốc) |
Trong bối cảnh
chung đó, tinh thần doanh nghiệp, nỗ lực học tập kinh nghiệm nước ngoài của giới
kinh doanh rất lớn. Giữa thập niên 1980 tôi có đến Hàn Quốc điều tra thực tế về
chiến lược đuổi bắt công nghệ của doanh nghiệp nước này, ấn tượng nhất là thấy
họ đưa ra khẩu hiệu phải theo kịp khả năng công nghệ của công ty hàng đầu của
Nhật trong ngành. Những người có kinh nghiệm du học cùng với sinh viên Hàn Quốc
cũng dễ dàng thấy nỗ lực học tập của họ. Quốc sách theo kịp nước tiên tiến
không phải là khẩu hiệu chung chung mà từng thành phần trong xã hội đều nỗ lực
thực hiện.
Thứ hai,
Hàn Quốc xây dựng được một cơ chế rất hiệu suất, hiệu quả về quan hệ giữa nhà
nước và doanh nghiệp. Trong quá trình đuổi theo các nước tiên tiến, mục tiêu cụ
thể là tích cực đầu tư, tích lũy tư bản ( nhưng tỉ lệ tiết kiệm ban đầu quá thấp
phải vay nợ trong thời gian dài ), đồng thời bảo hộ các ngành công nghiệp còn
non trẻ và đẩy mạnh xuất khẩu để có ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu, công nghệ
và trả nợ. Như vậy vai trò của nhà nước rất lớn. Trong tình hình đó, ở nhiều nước
khác, doanh nghiệp cấu kết với quan chức để được tiếp cận với vốn vay ưu đãi, với
ngoại tệ khan hiếm và với các nguồn hỗ trợ cho xuất khẩu. Nạn tham nhũng dễ
phát sinh từ đó. Nhưng Hàn Quốc đã tránh được tệ nạn đó nhờ có cơ chế minh bạch,
nhất quán, công minh có tính cách kỷ luật (discipline). Cụ thể là doanh nghiệp
đuợc nhận ưu đãi phải có nghĩa vụ tăng năng lực cạnh tranh, chẳng hạn phải xuất
khẩu nhiều hơn truớc. Nếu không hòan thành nghĩa vụ sẽ không được hưởng ưu đãi
trong giai đọan sau. Nói chung, các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau, đưa ra mục
tiêu phấn đấu khả thi mới nhận được ưu đãi của nhà nước.
Khi đặt xuất
khẩu là mục tiêu của quốc gia thì người lãnh đạo cao nhất phải thường xuyên
quan tâm. Tôi rất ấn tượng là chính Tổng thống Park Chung –hee trực tiếp chủ
trì các hội nghị kiểm tra diễn tiến xuất khẩu. Mục tiêu xuất khẩu đặt ra rất lớn
nhưng hầu như năm nào cũng đạt được là nhờ cơ chế như vậy.
Thứ ba, nhận
xét của Amsden (1989) rất chính xác khi cho rằng Hàn Quốc đã thực hiện công
nghiệp hóa trên cơ sở của học tập (industrialization on the basis of learning).
Quả đúng như vậy nếu ta xem nỗ lực của chính phủ trong giao dục, đào tạo, trong
việc tạo ra cơ chế để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, và nỗ lực của
doanh nghiệp trong quá trình học hỏi nước ngoài. Tỉ trọng dành cho giáo dục vào
cuối thập niên 1950 chỉ có dưới 10% ngân sách nhà nước, nhưng đã tăng liên tục
lên 15-18% trong thập niên 1960, và 19-21% trong đầu thập niên 1980. Tỉ lệ học
sinh cấp ba trong độ tuổi thanh thiếu niên tăng từ 34% năm 1965 lên 56% năm
1975 và 91% năm 1984. Tỉ lệ sinh viên đại học trong thời gian đó là 6%, 10% và
26%. Hàn Quốc là một trong những nước có tỉ lệ rất cao trong hai chỉ tiêu: tỉ lệ
của sinh viên du học trên tổng số sinh viên trong nước và tỉ lệ nguời du học trở
về trên tổng số sinh viên đi du học. Thành quả nầy nhờ có các cơ chế liên quan
đến việc thi tuyển và đãi ngộ người tài.
Ba điểm nói
trên nhất quán trong suốt quá trình đuổi theo các nước tiên tiến nhưng nội dung
của các cơ chế thay đổi theo nhu cầu phát triển của mỗi thời kỳ. Từ đầu thập
niên 1980, vai trò của nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực nhỏ dần và thay
vào đó tập trung vào giáo dục, nghiên cứu khoa học để tạo tiền đề cho việc chuyển
dịch cơ cấu kinh tế lên thứ nguyên cao hơn.
Kinh nghiệm
Hàn Quốc cho thấy cơ chế động viên mọi nguồn lực của xã hội vào mục tiêu được
xã hội đồng thuận, nhất là xây dựng và sử dụng nguồn nhân lực, tạo quan hệ lành
mạnh giữa nhà nước với doanh nghiệp là điều kiện để phát triển bền vững.
Chia sẻ
![]() |
Tháp Namsan Seoul |
Comments
Post a Comment