Ngày
13-3-1922, học giả Phạm Quỳnh từ Hà Nội đã ghé vào Sài Gòn trên chuyến tàu đưa
ông cùng 3 đại biểu khác ở Bắc Kỳ đi dự Đấu xảo Thuộc địa lần thứ hai tại
Marseille, miền nam nước Pháp. Cùng đi chuyến tàu với Phạm Quỳnh là các ông
quan tuần Vi Văn Định, quan huyện Lưu Văn Vị thay mặt cho quan trường Bắc Kỳ,
ông Nguyễn Văn Vĩnh thay mặt cho Tư vấn nghị viện. Số đại biểu Bắc Kỳ được mời
dự Hội chợ Thuộc địa Marseille 1922 gồm tất cả 7 người, ngoài 4 vị kể trên thì
3 người còn lại lên đường trong một chuyến tàu sau, gồm các ông Phạm Duy Tốn
(cũng thay mặt Tư vấn nghị viện, bố nhạc sĩ Phạm Duy), ông Hoàng Kim Bảng thay
mặt cho các nhà thương mại, ông Nguyễn Hữu Tiệp thay mặt cho các nhà canh nông.
Vào năm 1922 Phạm Quỳnh vừa được 30 tuổi, ông đang làm chủ bút tờ Nam Phong Tạp
chí, được cử đi Pháp thay mặt cho Hội Khai trí Tiến Đức. Tại Pháp năm 1922 Phạm
Quỳnh cũng có vài dịp gặp gỡ Hồ Chí Minh, khi đó 32 tuổi, đang hoạt động bí mật
tại đây. Năm 1945 cách mạng mùa Thu nổ ra, Phạm Quỳnh đã bị bắt đưa đi khỏi biệt
thự Hoa Đường bên sông An Cựu Huế ngày 23-8-1945, nơi ông đang sống ẩn dật, và
bị sát hại ngày 6-9-1945, sau ngày tuyên bố độc lập chỉ 4 hôm. Cùng bị hành quyết
với Phạm Quỳnh là ông Ngô Đình Khôi, anh cả của ông Diệm, và người con trai của
ông Khôi. Xác của 3 người mãi đến năm 1956 mới tìm được ở nơi hẻo lánh trong rừng
Hắc Thú, nhờ có người chứng kiến vụ sát hại cho biết tin, và gia đình ông Diệm
đứng ra tổ chức việc đi tìm. Khi mất Phạm Quỳnh chỉ mới 53 tuổi, VN đã sớm mất
đi một trong những học giả thuộc hàng lỗi lạc nhất của đất nước... Nhân dịp Đấu
xảo Marseille 1922, hoàng đế Khải Định cũng được mời đến dự, và ông đã trở
thành nhà vua đầu tiên của VN chính thức đi ra nước ngoài (không kể các ông vua
bị Pháp bắt đi đày ở nước ngoài như Hàm Nghi, Duy Tân, Thành Thái, hay các ông
vua đi qua nước Tàu để triều cống). Chuyến về nước thì Phạm Quỳnh đi chung
tàu với vua Khải Định.
Ông là một
nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam), là người
đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ
Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng
Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân.
Ông được
xem là người chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc
lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên
cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương
chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến
Comments
Post a Comment