Hãy là Chính phủ của Dân, do Dân và vì Dân


Vào tháng 11 năm 1863, Tổng thống Hoa Kỳ – Abraham Lincoln đã đọc bài diễn văn “Gettysburg” để vinh danh các anh hùng liệt sĩ Hoa Kỳ đã chiến đấu và hi sinh anh dũng cho cuộc chiến thống nhất Quốc gia. Bài diễn văn này đã đi vào lịch sử Hoa Kỳ và thế giới với tuyên bố “Chính phủ của dân do dân và vì dân”. Sau này, nhiều Quốc gia trên thế giới xem đây là tôn chỉ của mình và được quy định cụ thể trong Hiến pháp trong đó có Việt Nam.

Ngài Tổng thống đã đề cập đến một khái niệm “Chính phủ của dân, do dân và vì dân” với ý nghĩa rằng: Chính phủ không phải là yếu tố làm nên lịch sử mà chính những người dân, và rằng chính phủ sinh ra chỉ để phụng sự Quốc dân. Chính phủ phải tiếp bước, cống hiến cho giá trị mà cha ông đã để lại.

Hoa Kỳ đã đi theo con đường mà Abraham Lincoln  đã vạch ra, và đây là một trong những nguyên nhân khiến cho họ trở nên hùng cường đứng đầu thế giới.

Nhìn lại Việt Nam, Đất nước của chúng ta đã từng có một cuộc nội chiến “Nồi da xáo thịt” tương tự như Hoa Kỳ, và cái giá phải trả để có được ngày hôm nay chính là sinh mạng của chính người Việt Nam với con số lên tới khoảng 4 triệu người.

Vừa rồi, Đất nước trải qua một thời gian bùng nổ phong trào biểu tình của chính Nhân dân mỗi lúc một mạnh mẽ, và để rồi đỉnh điểm vụ việc ở Bình Thuận. Nguyên nhân chính là vì Nhà nước chưa nghe thấu lòng dân khi mà Quốc Hội Việt Nam muốn thông qua dự luật Đặc Khu.

Việc bạo động, đập phá trụ sở tại Phan Thiết là không thể chấp nhận, cần lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên nếu chính phủ không đại diện cho những việc mà không nhận được sự đồng thuận của Nhân dân thì sẽ còn tiếp tục nổ ra những cuộc biều tình của người dân, không chỉ tại một địa phương mà còn nhiều địa phương khác.

Khi bản thân những người dân vượt quá sự chịu đựng, khi người dân cảm thấy rằng chính phủ đang làm lơ, trong khi người dân vẫn còn chìm trong khói bụi ô nhiễm, ra khơi luôn bị “tàu lạ” đâm chìm, giải quyết khiếu nại đất đai không thỏa đáng thì những ngọn lửa trong lòng xã hội Việt Nam sẽ không ngày nào không tắt.

Hãy lắng nghe tiếng nói từ người dân, hãy nhìn từ ánh nhìn của người dân, hãy cởi bỏ đôi giày da mà đi chân đất với người dân để thấu hiểu người dân đang cần gì, mong muốn gì. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo đã có câu:"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân" và "Quân điếu phạt trước lo trừ bạo". Hãy là chính phủ chính trực lời nói đi liền với hành động thì khi đó sẽ nhận được sự đồng tình của Nhân dân.





Comments