Từ Vinfast, Nhìn Lại Lịch Sử Ngành Công Nghiệp Sản Xuất Xe Hơi Việt Nam


Đầu tháng 10, công ty xe hơi Vinfast Việt Nam vừa ra mắt 2 mẫu xe mới tại Paris Motor Show 2018. Hai mẫu xe của Vinfast là LUX A2.0 và LUX SA2.0. Sự kiện này được báo chí trong nước lẫn quốc tế đồng loạt đưa tin và Vinfast không hết nhận được lời khen ngợi không chỉ trong nước mà ngoài nước.

Hai mẫu xe mà Vinfast ra mắt về cảm quan bên ngoài, có thiết khế khá làn sang trọng và hiện đại. “Cả hai chiếc xe đều được phát triển dựa trên tỷ lệ kích thước lý tưởng nhất của công nghiệp xe hơi quốc tế. Từ nền tảng cấu trúc kinh điển, các nhà thiết kế của VinFast và Pininfarina đã xây dựng nên những chiếc xe ổn định, có chiều dài cơ sở lớn, kết cấu thanh thoát và thực sự khơi gợi cảm hứng”[1]. Tôi sẽ không đi vào chi tiết của từng chiếc xe.

Nhìn lại chặng đường lịch sử của nền công nghiệp xe hơi Việt Nam thì khá là quanh co và đứt đoạn, dẫn tới việc Việt Nam đi sau hầu hết các nước trong khu vực về lĩnh vực này.



Chiếc ô tô đầu tiên mà người Việt Nam chế tạo và lắp ráp mang tên “Xe hơi Chiến Thắng” xuất xưởng vào ngày 21/12/1958 tại Hà Nội. Đây là chiếc xe dựa trên nguyên mẫu từ chiếc Fregate chạy bằng xăng của Pháp, được nội địa hóa một cách tối đa nhất. Mặc dù không thê đạt được tới 100%, nhưng các bộ phận như thân máy, nắp máy, chế hòa khí, bơm xăng, bơm dầu được các thợ cơ khí Việt Nam tìm mẫu, tạo khuôn mẫu trước, sau đó đúc gang rồi cắt gọt, gia công cơ khí cho thật tinh xảo. Còn lại các bộ phận như: nến điện, dây điện, hệ thống đồng hồ và chỉ thị, bóng điện, hệ thống kính, săm lốp và vòng bi phải lắp ráp của nước ngoài.

Miền Bắc lúc đó dự tính sẽ sản xuất đồng những chiếc ô tô này những năm sau đó, nhưng nhiều lí do khác nhau, dự án đã bị gác lại và vùi chôn theo thời gian cho tới bây giờ.

Phải mãi tới những năm 1965-1975, Nền công nghiệp ô tô Việt Nam mới thai nghén bắt đầu, tuy nhiên không được lâu sau đó thì bị lụy tàn. Nhắc tới thời kỳ này phải nhắc tới dòng xe nổi tiếng một thời là Ladarat. Tỉ lệ nội địa hóa từ 25% năm 1970 đến năm 1975 đạt 40%. Đây là một con số khá ấn tượng.

Năm 1936, hãng Citroën xây dựng xưởng sản xuất đầu tiên ở Đông Dương ở góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, hiện này là Caféteria Rex. Sang thời Việt Nam Cộng hòa, xưởng được di chuyển đi và thay tên là Công ty Xe hơi Citroën, sau đó là Công ty Xe hơi Saigon.

Vào cuối những năm 1960, do sức ép cạnh tranh từ các hãng xe nổi tiếng, hãng Citroën cho ra loại xe La Dalat, có giá thành rẻ và hữu dụng. Đến cuối năm 1969, do Mỹ ngừng thuê lao động người Việt và giảm viện trợ nên kinh tế Việt Nam Cộng Hòa bị suy thoái, lạm phát trở nên nghiêm trọng, khiến chính phủ Việt Nam Cộng hòa phải ban lệnh cấm nhập khẩu xe hơi từ nước ngoài. Việc này đã tạo điều kiện cho La Dalat ra đời do tránh được áp lực cạnh tranh từ xe hơi nhập khẩu.

Sau năm 1975, cộng với việc di tản, công nghệ và kỹ nghệ tìm đường chạy ra nước ngoài, cũng như cách quản lý yếu kém của chính quyền mới. Nền công nghiệp xem hơi tưởng chừng như sẽ phát triển tại Việt Nam lại bị ngưng trệ và lụi tàn.

Phải tới sau năm 1988, khi chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, nền công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam mới thai nghén phát triển trở lại. Nhưng Việt Nam vẫn chỉ là nước láp ráp. Doanh nghiệp Việt Nam phải liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài.

Năm 1997, Công ty ô tô Trường Hải ra đời, chuyên sản xuất, lắp ráp, xuất nhập khẩu, phân phối, bảo trì, sửa chữa ô tô tại Việt Nam. Nhưng chủ yếu là sản xuất và lắp ráp các loại xe tải, xe buýt và các loại xe nhiều chỗ phục vụ du lịch, đưa đón.

Vinaxuki là một nhãn hiệu ô tô của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên. Nhãn hiệu này được giới thiệu lần đầu vào tháng 9 năm 2005. Sản phẩm mang nhãn hiệu Vinaxuki bao gồm: một loại xe bán tải, hai loại xe tải thùng loại nhỏ tải trọng dưới 1 tấn, bảy loại xe tải tự đổ trọng tải từ 1 đến 7 tấn, loại xe mini compact 5 chỗ. Các loại xe nhãn hiệu Vinaxuki đều được chính công ty Xuân Kiên thiết kế và chế tạo với sự trợ giúp của chuyên gia Nhật Bản trên cơ sở linh kiện nhập khẩu và linh kiện sản xuất trong nước. Ngoài nhãn hiệu Vinaxuki, công ty này còn lắp ráp các nhãn hiệu xe của nước ngoài như Jinbei, Songhuajiang, Hafei của Trung Quốc, v.v... Tuy nhiên nhãn hiệu này cũng chỉ tồn tại tới 2015 thì bị giải thể.

Nhìn chung, trước khi có sự kiện Vinfast ra mắt các mẫu xe tại Paris Motor Show 2018, thì ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam không mang lại được nhiều tiếng vang, cũng như không tiếng tăm như các nước khác trong khu vực, chủ yếu là lắp ráp và chế tạo các linh kiện không quá khó.

Sự kiện Vinfast bước chân vào ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, không biết có phải vì báo chí đưa tin nóng hổi mà khiến nó trở nên có sức thu hút đối với công chúng một cách lạ thường hay không. Nhưng hi vọng, từ đây ngành công nghiệp sản xuất xe hơi Việt sẽ không còn đoản mệnh chết yểu như trong lịch sử, cũng như không phải trở thành một nơi phụ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Anh Họ Nguyễn


Ghi chú:
[1] Nguồn báo Dân trí Việt Nam (2018)

Comments